Nhằm tái hiện lại cuộc sống, sinh hoạt cộng đồng và văn hóa của người Việt cổ (còn gọi là cư dân Tràng An cổ), tỉnh Ninh Bình đã phục dựng lại mô hình không gian văn hóa tiền sử tại đảo Khê Cốc – nơi còn sót lại những dấu tích người Việt tiền sử.
Tọa lạc tại quần thể danh thắng Tràng An, thuộc huyện Hoa Lư Tỉnh Ninh Bình, đảo Khê Cốc được xây dựng nhằm tái hiện tại cuộc sống của người dân nguyên thủy ở Tràng An, mang tới cho du khách có một trải nghiệm thú vị về không gian văn hóa lịch sử nơi đây..
Dấu tích người Việt cổ tại Ninh Bình
Các nhà khảo cổ trong và ngoài nước đến nay đã khẳng định: Quần thể Danh thắng Tràng An là một không gian bảo tồn khá nguyên trạng những giá trị lịch sử địa chất, địa mạo cùng với những giá trị về lịch sử sự sống, lịch sử tiến hóa của loài người, lịch sử của tín ngưỡng, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật… Tiềm năng tài nguyên di sản khảo cổ học tại Quần thể danh thắng Tràng An được thể hiện rõ qua di tích khảo cổ học thời tiền sử. Qua quá trình hợp tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học giữa các đơn vị nghiên cứu ở trong nước và quốc tế có thể khẳng định rằng, Tràng An là kho tư liệu đầy đủ, phong phú và nguyên vẹn cho chúng ta nghiên cứu về nhân loại thời tiền sử.
Trong kho tư liệu đồ sộ ấy cho thấy một truyền thống cư trú của con người tiền sử ở Ninh Bình, một truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài tới 30.000 năm, thể hiện trên 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử được phát hiện và nghiên cứu. Những phát hiện về đồ gốm cổ, bếp lửa, xương động vật, vỏ ốc, vỏ sò… trong vài năm qua là một trong những bằng chứng giúp các nhà khoa học đi đến kết luận, người tiền sử đã sinh sống ở Tràng An (tỉnh Ninh Bình).
Hay như những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất trong nhiều năm qua, diện mạo của kinh đô Hoa Lư ngày càng hiện rõ. Đó là thành quách kiên cố, có nhiều kiến trúc quy mô lớn và các cung điện, lầu gác được trang trí cầu kỳ mang đậm phong cách nghệ thuật riêng của thời Đinh và Tiền Lê; là cách bố trí quy hoạch hệ thống cung điện từ cấm thành đến hoàng thành, khu sinh hoạt tôn giáo…
Cùng với đó là những di tích thời Trần, tiêu biểu là Hành cung Vũ Lâm thời Trần, khác hẳn với hệ thống di tích thời Trần còn lại trên miền Bắc nước ta, với giá trị đặc trưng riêng biệt về địa chính trị-lịch sử-tôn giáo-văn hóa mà không nơi nào có được: Hành cung Vũ Lâm vừa là căn cứ kháng chiến chống quân Mông Nguyên; đồng thời cũng chính là nơi đầu tiên các vua Trần quy y Phật pháp-khởi nguồn dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Theo nghiên cứu, biển thoái ở vùng Tràng An có thể bắt đầu từ cách đây khoảng 5.500 năm. Lúc này, con người rời hang cao xuống hang thấp.
Bên cạnh đó, một bộ phận vẫn cư trú trong hang, một bộ phận khác chuyển ra khai phá, khai thác các bãi bồi thung lũng, ven khe suối ở khu vực trung tâm Tràng An, ở đó có khu Khê Cốc.
Trong sự biến cải khắc nghiệt và dữ dội của cảnh quan, người tiền sử nơi đây vẫn thích ứng, phát triển, hun đúc, bồi đắp và tạo nên các giá trị văn hóa nổi bật toàn cầu.
Được biết, từ kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia của Vương quốc Anh, Viện khảo cổ học Việt Nam, Viện khoa học địa chất và khoáng sản đã khẳng định Tràng An là một cuốn biên niên sử nguyên vẹn về sự biến đổi môi trường và những ứng phó của con người trong quá khứ xa xôi. Bên cạnh đó, còn lưu giữ một truyền thống cư trú của con người tiền sử, một truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài tới 30.000 năm.
Không gian văn hóa ở đảo Khê Cốc
Việc tái hiện lại nơi sinh sống của người Việt cổ hàng nghìn năm trước nhằm gìn giữ và trao truyền di sản cho các thế hệ mai sau, lan tỏa sự tự hào về cội nguồn lịch sử.
Các căn nhà tộc trưởng, nhà ở của người dân, công cụ lao động, sinh hoạt cộng đồng… được phục dựng gần giống với nguyên bản, dựa theo nghiên cứu khảo cổ của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới.
Đến Khê Cốc người dân hòa được mình vào không gian sinh sống của cư dân cổ đại. Qua đó, hiểu rõ hơn về cách săn bắn, hái lượm, sử dụng lửa để nấu chín thức ăn…
Đồng thời, được nghe những câu chuyện lịch sử thú vị về vùng đất Tràng An cổ. Đó là từ khi xuất hiện con người, sống trên những hang cao xuống hang thấp, đến lúc rời hang dựng nhà lá để sinh tồn.
Tại không gian văn hóa đảo Khê Cốc, bên trong các chòi Tộc trưởng có những hiện vật gắn với đời sống của cư dân cổ được phục dựng. Ngoài ra tại hàng chục chiếc chòi là nơi sinh sống của các cư dân cổ cũng trưng bày các vật dụng sinh hoạt phục vụ đời sống hàng ngày của họ.
Không chỉ ngắm các hiện vật, người dân cũng được tận mắt chứng kiến các diễn viên đóng cư dân cổ, biểu diễn các nhạc cụ truyền thống có từ thời xa xưa với các điệu nhảy, múa đậm đà bản sắc dân tộc.
Phục dựng và tái hiện thực cảnh sinh hoạt văn hóa của cư dân cổ Tràng An tại đảo Khê Cốc với mong muốn cung cấp cho du khách một góc nhìn thực cảnh sinh động về cuộc sống của con người trong quá khứ; nhằm giữ gìn và trao quyền Di sản cho các thế hệ sau, để hiểu, để biết, để trân trọng và tự hào về cội nguồn lịch sử. Đồng thời việc phục dựng giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu những bài học lịch sử quý báu để luôn biết phụng dưỡng “mẹ thiên nhiên”, bảo vệ môi trường sống, tổ chức đời sống con người hài hòa với tự nhiên, tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu ngày nay.
Ngoài ra khi tới đảo Khê Cốc tại Tràng An Ninh Bình, du khách còn có thể ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ vô cùng đồ sộ của khung cảnh nơi đây. Ông Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: “Việc tái hiện không gian văn hóa đảo Khê Cốc là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện hướng tới kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là “di sản kép”. Nơi đây cũng là địa điểm để quảng bá hình ảnh, các giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan, địa chất, địa mạo và văn hóa của di sản “có một không hai” ở Việt Nam và Đông Nam Á”.
Theo Dân Việt, Cổng thông tin tỉnh Ninh Bình