Năm qua, người hâm mộ Việt Nam đã được đắm chìm vào trong những sự kiện âm nhạc chất lượng với rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài đổ bộ tới “mảnh đất hình chữ S” có thể kể đến như: Blackpink, Charlie Puth, Maroon 5, Super Junior…
Đặc biệt với concert “Born Pink” tổ chức 2 đêm tại Hà Nội, lượng du khách đổ về nơi đây cũng tăng lên không ít. Theo báo cáo từ Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 7 lượng khách cả trong nước lẫn nước ngoài đến với Thủ đô tăng xấp xỉ 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Sự xuất hiện sân khấu âm nhạc có ca sĩ quốc tế đã kích cầu làn sóng tiêu dùng, sử dụng dịch vụ, mua sắm ở các thành phố lớn. Không chỉ vậy, các show âm nhạc của loạt nghệ sĩ nổi tiếng trong nước như: Mỹ Tâm, Sơn Tùng M-TP, Hà Anh Tuấn, Đen… cũng góp phần giúp xu hướng “melo – đi” phát triển mạnh mẽ khi tốc độ sold-out vé của các show diễn này rất nhanh.
Những show nhạc cháy vé đồng nghĩa với việc ngành du lịch sẽ tăng trưởng. Người xem ca nhạc không chỉ chi tiền để mua vé, họ cũng mua vé máy bay, thuê khách sạn, đi nhà hàng, mua quà lưu niệm.
Thành ra, nền kinh tế nước ta cũng được hưởng lợi rất nhiều khi người hâm mộ sẵn sàng bỏ tiền, thậm chí là rất nhiều tiền chỉ để xem thần tượng của mình biểu diễn trực tiếp.
Không chỉ mỗi Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà rất nhiều các tỉnh thành khác như: Ninh Bình, Đà Lạt, Quảng Ninh, Tam Đảo.. cũng chú trọng vào xu hướng này với việc xây dựng nhiều show âm nhạc với đa dạng các chủ đề và loại hình để khán giả có thêm nhiều trải nghiệm mới lạ.
Tuy nhiên, các cơ quan ban ngành, đơn vị tổ chức cũng cần chú ý hơn nếu muốn xu hướng này phát triển mạnh mẽ hơn trong nhiều năm tới. Khi mà cơ sở vật chất còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch và chất lượng các show vẫn còn nhiều khuyết điểm (vị trí chỗ ngồi chưa hợp lý, cách thức tổ chức, thời gian hay những thông báo hủy show đột ngột…).
Do đó, cần có những chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho ngành du lịch âm nhạc Việt Nam có thêm nhiều bước phát triển vượt bậc.